Ngày càng có nhiều tuyển thủ điền kinh, những người chỉ chuyên ăn tập với các cự ly ngắn trong sân vận động, xuất hiện tại các giải chạy phong trào ở những cự ly dài đột biến. Điều đó có lợi và hại gì?

Trong nhiều năm gần đây, việc các VĐV chuyên nghiệp hoặc những tuyển thủ quốc gia góp mặt tại các giải chạy phong trào không còn xa lạ nữa. Điều đó cho thấy sự đa dạng về đối tượng tham gia giải, tăng sức hút cho giải khi thành tích do các VĐV chuyên nghiệp đạt được sẽ khiến khía cạnh chuyên môn của giải tăng lên…

Gây sốc khi tăng cự ly chạy đột biến

Tại các giải chạy phong trào, đa phần là marathon, nơi BTC thường lựa chọn các cự ly từ 5-42km, thì việc những tuyển thủ quốc gia đang ăn tập những cự ly chạy dài tham dự là điều hết sức bình thường. Ví dụ điển hình là Phạm Thị Hồng Lệ, người chuyên tập cự ly marathon (42,195km) và từng giành huy chương đồng SEA Games 30, thì việc cô gái Bình Định xuất hiện tại một giải chạy có cự ly 42km hay 21km là chuyện hết sức bình thường. Nhưng vẫn có những tuyển thủ đột phá hơn nhiều.

Phạm Thị Hồng Lệ (giữa) và Phạm Thị Huệ (0969) từng thâu tóm hai vị trí đầu nội dung 10.000m nữ SEA Games 30, từng tham gia rất nhiều giải chạy phong trào

Khoảng 2 năm gần đây, các giải chạy dài (tính từ 21km đến 42km) đã xuất hiện ngày càng nhiều các tuyển thủ điền kinh vốn chỉ có chuyên môn chạy trong sân vận động, mà những giải này thường có cự ly chạy xa nhất là 10.000m (tương đương 10km). Nhà vô địch SEA Games 10.000m Phạm Huệ cũng đã từng khá nhiều lần vô địch các giải chạy phong trào ở cự ly 21km.

Hay như kỷ lục gia SEA Games Nguyễn Thị Oanh, người chuyên chạy 1500m, 5000m, 3000m chướng ngại vật thì nay cũng đã mạnh dạn thử sức ở nội dung 10.000m, thậm chí từng vô địch các giải chạy từ 15km đến 21km. Nếu như dịch COVID-19 không xuất hiện năm 2020 thì cô gái Bắc Giang đã lần đầu thử sức ở đường chạy 42km tại London Marathon (Anh quốc).

Đinh Thị Bích (0951) vô địch SEA Games 30 nội dung 800m sở trường

Gần đây nhất, một nhà vô địch SEA Games cự ly trung bình đã lấn sân các đường chạy dài ở các giải phong trào và khá thành công, đó là Đinh Thị Bích. Cô gái Nam Định này giành huy chương vàng 800m tại Philippines tháng 12/2019 ở ngay lần đầu dự SEA Games với thành tích 2 phút 07 giây 16 (2:07.16). Và mới đây, Bích thử sức ở đường chạy 10km quanh Hồ Gươm hồi tháng 10 năm ngoái và đạt giải nhì nữ hạng bán chuyên nghiệp với thành tích 43 phút 16 giây, thông số không hề tệ cho một người chuyên chạy 800m trong sân và chưa từng chạy dài đến vậy.

Tháng 12/2020 vừa qua, cô gái sinh năm 1997 còn chơi lớn hơn khi tham gia đua ở cự ly 21km tại giải marathon Huế. Bích cũng xuất sắc giành giải nhì với thành tích 1 giờ 36 phút 23 giây (1:36:23), đạt tốc độ trung bình 4 phút 35 giây trên 1km (pace 4:35), thông số ấn tượng cho một chân chạy trung bình mới chỉ chuyển sang chạy dài đột biến ít lâu.

Đinh Thị Bích bắt đầu lấn sân các giải chạy phong trào ở các cự ly dài đột biến (10km hay 21km) so với cự ly 800m sở trường

Lợi – Hại ra sao?

Lấy trường hợp của Đinh Thị Bích làm điển hình về việc một VĐV chạy trung bình, vốn chỉ luyện 800m trong sân vận động nay chuyển sang hẳn cự ly dài gấp tới hơn… 21 lần như thế này. Thực tế, các VĐV chuyên nghiệp có khối lượng tập luyện vượt trội và khoa học hơn rất nhiều những VĐV phong trào. Chính vì vậy, dù chỉ tập chạy ngắn hay trung bình cỡ vài trăm mét thì các tuyển thủ vẫn là những người có tố chất và thể lực vượt trội. Chỉ cần điều chỉnh một chút là họ có thể thích nghi và đạt thành tích tốt một cách đáng kinh ngạc.

Mặc dù chỉ chạy đua 800m, nhưng các buổi tập hàng ngày của Đinh Thị Bích cũng luôn có những bài đa dạng như chạy dài, chạy vừa, chạy tốc độ, chạy thả lỏng, gánh tạ, tập bổ trợ… “Khi quyết định thử sức ở cự ly 21km, tôi dần dần kéo dài cự ly tập ra, hôm nay 10km thì mai 12km, tăng dần để tích lũy thể lực. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ khó mà hoàn thành 21km tốt được vì mới chấn thương gần đây…” – Đinh Thị Bích cho biết.

Đinh Thị Bích (phải) tập luyện tại đại bản doanh Nhổn cùng đàn chị Nguyễn Thị Huyền (trái) dưới sự hướng dẫn của HLV Vũ Ngọc Lợi

“Tham gia các giải phong trào cũng là kế hoạch tập luyện của HLV đưa ra. Khi tham gia các giải như vậy, tôi học hỏi được rất nhiều, được đi nhiều nơi, được thử sức mình với cự ly mới. Điều mà tôi học hỏi được nhiều nhất là làm việc gì cũng cần ý chí và kiên cường. VĐV nghiệp dư họ chạy được tận 21km và 42km thì sao một một VĐV chuyên nghiệp lại không làm được?!” – Bích thổ lộ.

Từ suy nghĩ này, Bích lao vào tập luyện để lấy lại thể lực sau một thời gian dài dính chấn thương và chỉ tập chay do ít giải. “Tập chạy các cự ly dài so với nội dung 800m sở trường giúp tôi bền bỉ hơn, thậm chí là thận trọng hơn trong các bài tập hàng ngày. Vì nếu ham tập chạy dài, khối lượng tập nặng quá thì có thể dẫn đến chấn thương.

Tham gia các giải chạy phong trào với các cự ly dài giúp Đinh Thị Bích rất nhiều trong việc cải thiện chuyên môn chính ở nội dung chính 800m

Tham gia các giải chạy phong trào cũng khiến tôi tự tin hơn, khác hẳn so với thi đấu tại các giải trong sân vận động. Chạy 10km hay 21km tại các giải đó cũng được coi là một bài tập nghiêm túc trong giáo án nên cũng rất tốt.

Sắp tới, tôi sẽ tham dự nội dung nữ tuyển 5km tại Giải Marathon Vô địch Quốc gia và cự ly dài – Tiền Phong Marathon ở Gia Lai tháng 3 tới. Và với kết quả tham gia khá ổn ở những giải phong trào vừa qua, nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ thử sức ở nội dung 42km” – Đinh Thị Bích quyết tâm.

Nguồn: copy